Nhà phân phối bút cao cấp lớn nhất Việt Nam
Showroom: 44 Quang Trung, Hà Nội, ĐT:
024 39871666 - 183 Giảng Võ, Hà Nội, ĐT: 024 32001130 - 139i Nguyễn Trãi, Quân 1, TP. HCM, ĐT: 028 38231268
Hotline: 0966025698


THƯƠNG HIỆU

TÌM KIỂM NÂNG CAO

Khai bút mừng tân nương

  13/08/2015

Có người ví đàn ông là cây bút, phụ nữ là lọ mực, trang giấy là nơi hẹn hò.

Như vậy, vấn đề đầu tiên của người đàn ông là xác định cây bút. Sau đó lựa chọn lọ mực. Và cuối cùng là “Khai bút mừng tân nương, tận hưởng niềm vui sướng”. Tuy nhiên, vấn đề xác định cây bút không hề nhàn nhã như một chuyến đi nghỉ mát, mà là cả một hành trình phượt. Ngắn thì vài ngày. Dài thì vài tháng, vài năm. Chơi bút cũng như tình yêu, không đong đếm tháng ngày mà chính tháng ngày giúp tình yêu thêm ý nghĩa. Để xác định cây bút, thường thì người đàn ông sẽ khoanh vùng các lý do sau đây:

- Cây bút này để làm gì?

- Cây bút có phù hợp với mình?

- Cây bút có phù hợp với túi tiền của mình?

- Cây bút có giúp mình hạnh phúc hơn?

- Cây bút có giúp mình đẹp trai hơn?


Càng mở rộng các lý do, ta càng dễ mất định hướng. Có một cách khoang vùng khác, ít sai lầm và an toàn hơn, là mượn cây bút muốn mua để “nhìn tận mắt, sờ tận tay”. Đến lúc này, chắc chắn ta đã xác định được cây bút cho mình. Bút nhựa ngòi thép hay bút thép ngòi vàng không quan trọng. Điều quan trọng là vừa tay, vừa mắt. Ngòi cây bút hay ngòi đàn ông, không thể đánh giá chất lượng chỉ dựa vào thương hiệu hay cảm quan, phải dựa trên trải nghiệm.

Một cây bút, ngoài công năng ghi chép, trong một số trường hợp còn là công cụ thể hiện hình ảnh. Vì ta muốn người xung quanh có ấn tượng tốt về mình. Nếu là một doanh nhân với vẻ ngoài lịch lãm, ta không thể bước vào phòng họp với cây Lamy Safari màu vàng, mặc dù thật ra, ta có thích màu vàng, vì màu vàng theo thầy phán là hợp phong thuỷ. Nhưng nếu là một sinh viên xa nhà trọ học, bạn có thể chọn bất kỳ cây bút nào, bất kỳ màu nào, miễn đừng bán xe mua bút và cuốc bộ đến trường.


[ Một góc nhỏ trong bộ sưu tập mini của anh @PreliminaryMAC ]

Sau khi có được cây bút, bước tiếp theo là lựa chọn lọ mực. Hay so sánh lãng mạn hơn: lựa chọn người phụ nữ song hành bên cạnh người đàn ông. Ngày xưa các cụ dạy “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” là do các cụ sống ở thời điểm ngày xưa. Ngày nay mực nhiều màu lắm. Phụ nữ cũng nhiều màu lắm luôn. Không chỉ riêng màu da mà còn cả sắc thái, kiểu dáng chai, lọ này nọ. Ước mơ của mọi cây bút, đơn giản là chấm đúng lọ mực phù hợp. Mà để ước mơ trở thành hiện thực, cây bút miệt mài chấm thử nhiều lọ, nhiều màu.

Mực, cho dù ở màu sắc nào, đều vốn dĩ là nước, chúng ta tạm xếp vào cực âm. Và phụ nữ là biểu trưng hoàn hảo cho cực âm. Cực âm thì lạnh là chắc rồi. Cái lạnh bao giờ cũng hút nhiệt. Và vì thế, Bút, Mực tìm đến nhau. Khổ nỗi bút không đến một mình mà thường kéo theo đồng bọn. Anh thì danh gia vọng tộc như Monblanc Peter The Great. Anh lại lạnh lùng sắt thép như Pilot Murex. Và cũng không hiếm anh hiện đại rực rỡ như Platinum Preppy, hay lụ khụ như cụ Parker 51.

Bút kén mực chứ mực kén bút bao giờ. Chẳng hạn như anh @nganchi1973, đặt được lọ Bung-box là ngay lập tức hú hí đồng bọn ra thử mực. Hôm đó chắc ảnh vừa chờ đồng bọn, vừa khe khẽ hát “Lọ mực này là của chúng mình”. Đó gọi là cái tình. Thật hơn tình là tâm. Chơi bút, ngoài chơi chữ và chơi màu, có cơ hội tâm tình cùng nhau đã là một niềm hạnh phúc lớn. Có lẽ, khi đã chạm vào nhau, tan vào nhau, Bút, Mực cũng “tâm tình” dữ lắm để tạo nên hình hài nét chữ mà khoe màu với thế gian. Màu nhìn vừa mắt thì mực được chăm sóc chu đáo. Ngược lại, nếu nhìn ngứa mắt, bút đi trước đây, mực tự đóng nắp nhé!

Vòng đời của một cây bút hiếm bao giờ chung thuỷ với duy nhất một lọ mực. Trừ khi đó là cây bút quý, rất quý. Hoặc cây bút vượt trên giá trị sử dụng, mang giá trị sưu tầm. Câu hỏi đặt ra là, bút chủ động tìm mực, hay mực dẫn đường cho bút tìm đến? Ngay cả một cây bút cà lơ phất phơ như Thiên Long mà ngửi thấy mùi mực Bung-box là hai mắt sáng bừng, chớp chớp mấy phát, tiến lại gần xin chấm thử, rồi sau đó có tắt mực cũng oke. Cái này gọi là khoái lạc. Mà thường khoái lạc đi kèm khổ đau. Cái khó là con người vừa muốn tìm kiếm khoái lạc, vừa muốn né tránh khổ đau.

Mực luôn có đủ chiêu trò để thu hút bút. Ngay cả chỉ với hình dáng của cái lọ, thanh âm của cái tên, mực cũng khiến bút nhấp nhỏm đứng ngồi không yên rồi. "Sự mềm yếu" như cây bút của anh @inpluviam trước “Cơn Mưa Thu” hay “Mối Tình Đầu” hoặc “Rừng Na Uy” là dẫn chứng không thể bác bỏ. Nhưng nhan sắc của mực thường được đánh giá qua cái màu. Và thân phận của mực, khác nào thân phận nàng Kiều. Nếu được tổ đãi, trao thân gửi phận cho người có bút pháp hoa mỹ như anh @ducati999 thì bổng chốc “Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” ngay. Nhưng nếu sa cơ lỡ vận, rơi vào ổ phục kích của tác giả bài viết thì thôi rồi Kiều ơi.





Nói thì nói vậy, nhưng mực cũng có giá trị của mực. Như cô nàng Montblanc trong hình phía trên, chưa biết đậm nhạt thế nào, khô ướt ra sao, nhưng tự tách mình như một thứ “mực son”, quyết không mở nắp để tránh xa mấy anh “bút mốc mà chòi mực son”. Quan niệm như thế thì hỏng hết mực ơi. Vàng son một thuở, thanh xuân bạc màu. Mực, dù xanh hay đỏ, dù tím hay vàng, dù làng nhàng hay sang chảnh, vẫn không nên đóng nắp then cài, mà hãy phô bày với thế gian. Đời lẽ bóng thì lòng như sóng. Nếu không có bút, mực khoe màu với ai? Lẽ nào lấy tay thay bút, mười ngón vẽ rồng như ông Trạng Quỳnh ngày xưa.

Sau khi đã xác định cây bút và lựa chọn lọ mực, bước tiếp theo là “Khai bút mừng tân nương, tận hưởng niềm vui sướng” như đã nói ở phần đầu. Nhưng khai bút ở đâu cũng quan trọng không kém.

Có chàng trai không trẻ lắm, sau bao ngày đợi đêm mong, cuối cùng cũng cầm trên tay cây bút mới. Phần vì quá phấn khích, phần vì mong muốn mau chóng tìm kiếm khoái lạc, chàng khai bút luôn lên tờ giấy nháp trước mặt.

Roẹt… Roẹt… Roẹt…

Chàng vượt lên chính mình, trong một phút ba mươi giây, khai nát tờ giấy A4. Vẫn chưa thấy phê, chàng lật sang trang sau, khai tiếp. Đến lúc này, chàng mới giật mình hoảng hốt (như lần đầu tiên dậy thì) vì chữ ký trang trước tèm lem sang trang sau. Và màu mực không giống màu in trên vỏ hộp.

Sau đó chàng hiểu ra, phần lớn các loại giấy chúng ta sử dụng hàng ngày như giấy nháp, giấy văn phòng, giấy sổ tay là loại giấy mỏng, phục vụ riêng cho việc in ấn và bút bi, không phục vụ chung cho bút mực. Nếu quyết tâm viết bằng bút mực và không muốn mất hứng bởi cảm giác tèm lem sang trang sau, độ dày của giấy tốt nhất từ định lượng 90gsm trở lên.

Về sai màu, có hai yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến sai màu là độ trắng và độ nhám bề mặt giấy (bỏ qua yếu tố ngòi bé và ngòi lớn). Độ nhám này có thể hiểu là độ ăn màu hay độ bám mực. Cùng một cây bút, cùng một lọ mực, cùng một định lượng, nhưng viết trên giấy trắng ngà và giấy trắng sáng sẽ tạo ra cùng một màu, nhưng sắc độ khác nhau một tẹo. Điều tương tự cũng xảy ra nếu viết trên hai loại giấy có độ nhám khác nhau, như viết trên giấy Ford thông dụng (thường dùng in trắng đen trong văn phòng, tập học sinh, ruột sổ tay…) và giấy mỹ thuật cao cấp (ứng dụng trong các ấn phẩm thiết kế như namecard, thư mời, thiệp cưới…).

Giấy là một thế giới vô cùng phong phú, thậm chí còn phong phú và đa dạng hơn cả bút & mực. Chúng ta viết là để vui chơi, để thư giãn, để thoả mãn đam mê, chứ nào phải anh bán sơn hay thợ nhà in mà cần màu sắc chính xác tuyệt đối, phải không? Ngay cả anh bán sơn hay thợ nhà in, khi cân chỉnh màu sắc đều được hỗ trợ bởi máy móc và thiết bị hiện đại. Màu mực xem qua màn hình máy tính và màu mực chúng ta trải nghiệm thực tế thường khác nhau. Điều này giải thích cho lý do vì sao hình ảnh avatar và hình ảnh đời thường của phụ nữ luôn có biên độ dao động 10/6 (hoặc cao hơn nữa, tuỳ hiệu ứng).

Giấy là nơi Bút, Mực gặp nhau. Mực nằm trong lòng bút, được bút che chở và nâng niu, để rồi cả hai cùng thăng hoa qua trang giấy. Hình bên dưới, gã đàn ông Montblanc đã cùng người phụ nữ mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó thăng hoa đi, thăng hoa lại ở Bãi Bằng trong một sáng đầu Xuân 2015.

Năm mới, thân chúc bạn công việc hanh thông, bút mực tấn tới.

(Theo Tachtrungsinh -Handheld)

Bình luận